Phân tích kỹ thuật trong đầu tư chứng khoán

Phân tích kỹ thuật trong đầu tư chứng khoán

Phân tích kỹ thuật là phương pháp nhằm dự báo xu hướng biến động thị giá cổ phiếu thông qua việc nghiên cứu, so sánh các chỉ số, biểu đồ trong quá khứ và hiện tại. Để hiểu rõ hơn về bản chất cũng như vai trò của phân tích kỹ thuật trong đầu tư chứng khoán, hãy cùng Yuanta Việt Nam theo dõi bài viết dưới đây nhé.

Nguồn gốc của Phân tích kỹ thuật

Nguồn gốc của phân tích kỹ thuật

Phân tích kỹ thuật chứng khoán bắt đầu xuất hiện với Charles Dow, người phát minh ra các chỉ số thị trường. Vào cuối thế kỷ 19, phân tích kỹ thuật trở nên nổi tiếng vì được chính người sáng lập cũng là biên tập viên của nhật báo Wall Street Journal, Charles Dow, giới thiệu tới các cộng đồng trader lớn. Các bài báo đó được xem là cơ sở ban đầu cho phân tích kỹ thuật ngày này và được gọi là “Lý thuyết Dow”.

Xuyên suốt lịch sử và phần lớn ở thế kỷ 20, phân tích kỹ thuật chỉ dừng lại ở biểu đồ vì chưa có các công cụ tính toán dữ liệu lớn cũng như chỉ số chứng khoán. Đây là lý do vì sao mà đến tận bây giờ – kỷ nguyên số 4.0 – phân tích kỹ thuật mới thật sự phát triển và được coi là “Thời đại Hoàng Kim” của nó.

Phân tích kỹ thuật là gì?

Phân tích kỹ thuật (Technical analysis) là một trong hai phương pháp phân tích phổ biến của thị trường chứng khoán, phương pháp còn lại là phân tích cơ bản. Khác với phân tích cơ bản chỉ tập trung vào giá trị thực của tài sản, phương pháp phân tích kỹ thuật sẽ quan tâm đến các chỉ số chứng khoán, biểu đồ, đồ thị diễn biến giá và khối lượng giao dịch của cổ phiếu trong quá khứ để phân tích các biến động cung – cầu và dự báo hướng của giá trong tương lai. 

Phân tích kỹ thuật thường được dùng để tạo ra các tín hiệu giao dịch ngắn hạn từ các biểu đồ giao dịch khác nhau. Ngoài ra nó còn có thể đánh giá điểm mạnh và yếu của cổ phiếu so với thị trường. Nhờ những lợi ích này mà các nhà đầu tư và nhà phân tích ước tính được định giá cổ phiếu và đưa ra được những quyết định đầu tư thông minh.

Phân tích kỹ thuật là gì?

Nguyên lý cơ bản của Phân tích kỹ thuật

Phân tích kỹ thuật hiện đại được xây dựng dựa trên Lý thuyết Dow với ba nguyên lý cơ bản chung :

  • Giá phản ánh tất cả hành động của thị trường

Trong phân tích kỹ thuật, giá cổ phiếu phản ánh tất cả các yếu tố, bao gồm: xu hướng thị trường, môi trường kinh tế – chính trị, biến động vi mô – vĩ mô, tâm lý thị trường, tin tức, kết quả hoạt động kinh doanh, các tin đồn,… Do vậy, khi muốn tìm hiểu để đưa ra quyết định đầu tư, không cần quan tâm đi sâu vào các yếu tố khác mà chỉ cần chú trọng vào phân tích sự biến động của giá, từ đó phân tích xu hướng dịch chuyển của giá để đưa ra các chiến lược giao dịch phù hợp và hiệu quả nhất.

Thực tế trên thị trường hiện nay, rất nhiều nhà đầu tư quá tin tưởng vào các nhất định về các yếu tố cơ bản như kết quả kinh doanh, … hay các tin tức trên thị trường để định hướng giá cổ phiếu và kiên quyết giữ nó lại trong khi giá cổ phiếu đang được dự báo từ phân tích kỹ thuật là sẽ có xu hướng đi xuống cũng như chưa thấy dấu hiệu hồi phục. Quyết định cứng nhắc này có thể khiến nhà đầu tư chịu thua lỗ nặng nề.

  • Giá cả di chuyển theo xu hướng

Trong nguyên lý này, giá cổ phiếu có xu hướng chuyển động theo hướng đã quan sát và duy trì xu hướng đó. Cụ thể hơn, khi giá cổ phiếu có xu hướng tăng thì nó sẽ tiếp tục tăng, hoặc khi có xu hướng giảm thì nó sẽ duy trì sự giảm này. Việc này cũng gần giống với Định luật 1 của NEWTON về quán tính: “Một vật thường có khuynh hướng giữ nguyên trạng thái chuyển động của nó…”.

Tuy nhiên, giá cũng sẽ dịch chuyển theo một xu hướng đến một mức nhất định và sẽ dừng lại cho đến khi có những dấu hiệu đảo chiều. Nhiệm vụ của phân tích kỹ thuật cũng chính là xác định xu hướng giá và nhận biết dấu hiệu đảo chiều này.

Các nhà đầu tư và nhà phân tích nên xác định được xu hướng giá hiện tại là gì, nó có tiếp tục theo xu hướng này không hay đang có dấu hiệu đảo chiều. Tìm hiểu và phân tích kỹ các yếu tố này sẽ giúp nhà đầu tư có những quyết định đầu tư đúng đắn.

  • Lịch sử có xu hướng tự lặp lại

Theo Jesse Lauriston Livermore – nhà giao dịch chứng khoán đầu thế kỷ 20 – được mệnh danh là “Con gấu vĩ đại của phố Wall”, cho rằng: “Không có gì mới trong kinh doanh đầu cơ hoặc đầu tư vào chứng khoán và hàng hóa. Đầu cơ cũng lâu đời như những ngọn đồi. Bất cứ điều gì xảy ra trong thị trường chứng khoán ngày hôm nay đã từng xảy ra trước đây và sẽ xảy ra một lần nữa”. Điều này có thể giải thích là do bản chất của con người có xu hướng khó thay đổi, tâm lý của nhà đầu tư sẽ chi phối rất nhiều đến các quyết định giao dịch trên thị trường chứng khoán. Hay nói cách khác, bản chất của việc các chuyển động giá có thể xảy ra lặp đi lặp lại chính là do tâm lý thị trường.

Quy tắc hoạt động này cũng được biểu hiện trên các mẫu hình, mô hình, chỉ báo, … Khi giá cổ phiếu dịch chuyển các mô hình, chỉ báo này sẽ cho thấy sự lặp đi lặp lại trên một cơ sở nhất định, từ thời kỳ này sang thời kỳ khác. Nhiều mẫu biểu đồ trong phân tích kỹ thuật đã được sử dụng hơn 100 năm và vẫn được vận dụng đến bây giờ vì các mẫu trong biến động giá trong biểu đồ đó vẫn thường lặp lại.

Tóm lại, đối với nguyên tắc cơ bản này, phân tích kỹ thuật dùng để nghiên cứu giá cổ phiếu trong quá khứ với kỳ vọng lịch sử sẽ lặp lại, từ đó nhà đầu tư sẽ có những kinh nghiệm từ những trường hợp giá trong quá khứ để xử lý và đưa ra quyết định phù hợp nhất trong đầu tư.

Nguyên lý cơ bản của phân tích kỹ thuật

Các chỉ báo kỹ thuật chính trong Phân tích kỹ thuật

Hiện nay có rất nhiều chỉ số kỹ thuật được sử dụng trong phân tích cổ phiếu, trong đó có một số chỉ báo phổ biến sau đây:

  • Xu hướng giá

Chỉ báo này thể hiện xu hướng chung mà giá của cổ phiếu đó đang dịch chuyển. “The trend is your friend” – câu ngạn ngữ được sử dụng từ rất lâu ở phương Tây – chỉ ra rằng xu hướng chính là bạn, dựa vào xu hướng để dự đoán tương lai của chứng khoán là một cách hiệu quả được các nhà chứng khoán nổi tiếng của thế kỷ trước vận dụng rất nhiều và vẫn còn phù hợp đến ngày nay.

Chỉ báo này phản ánh sự chuyển động của giá trong một khoảng thời gian đủ để xác định được xu hướng. Theo thời gian, chỉ báo xu hướng giá được chia làm ba loại: xu hướng dài hạn (5 năm), xu hướng trung hạn (từ 1 đến 5 năm) và xu hướng ngắn hạn (nhỏ hơn 1 năm). 

Chỉ báo xu hướng giá

  • Đường trung bình động MA

Đường trung bình động MA – Moving Average là trung bình cộng của chuỗi giá trong một khoảng thời gian nhất định, chẳng hạn như 50, 100 hoặc 200 ngày. Đường MA là một chỉ báo được sử dụng phổ biến trong phân tích kỹ thuật chứng khoán để nhận biết được tín hiệu mua – bán. Đường trung bình động cho thấy bức tranh tổng quát hơn về cổ phiếu đang cần tìm hiểu.

Đường trung bình động được sử dụng nhằm tìm hiểu và thu lợi nhuận từ các mô hình chuyển động giá của chứng khoán và các chỉ số. Nhà phân tích kỹ thuật thường vận dụng các đường này để phát hiện các biến động của giá hoặc để xác định những xu hướng thay đổi có thể xảy ra. Ví dụ: nếu giá cổ phiếu của một doanh nghiệp tăng cao hơn so với mức trung bình động 200 ngày, thì đó có thể là một tín hiệu cho sự tăng giá của cổ phiếu đó.

Đường trung bình động MA

  • Các mô hình biểu đồ

Mô hình biểu đồ là một hình ảnh thu nhỏ phản ánh biểu đồ giá giúp dự báo những xu hướng giá có thể xảy ra trong tương lai, dựa trên những gì đã có trong quá khứ. Các mô hình biểu đồ là cơ sở của phân tích kỹ thuật và nhà đầu tư cần hiểu được chính xác những thông tin từ nó để đưa ra được những dự đoán chính xác về các xu hướng giá có khả năng tự lặp lại.

Các mô hình này được nhà phân tích và nhà đầu tư ưu tiên ѕử dùng để хác định các giao dịch tiềm năng hoặc ѕử dụng kết hợp với các hình thức phân tích kỹ thuật khác để tối ưu hóa quyết định đầu tư.

Tuу nhiên, các mô hình giá trên biểu đồ trong thực tế thường không dễ dàng để nhận biết. Vì vậy, cần có khả năng phân tích cao cũng như tiếp xúc nhiều với phân tích biểu đồ để tích lũy thêm kinh nghiệm đầu tư, từ đó có thể nhận diện và hiểu được các mô hình biểu đồ nhanh và chính xác hơn. 

Các mô hình biểu đồ phổ biến trong phân tích kỹ thuật

  • Các mức hỗ trợ và kháng cự

Hỗ trợ (Support levels) và Kháng cự (Resistance levels) là hai mức giới hạn phạm vi của giá trên biểu đồ giá. Tại mức hỗ trợ, giá thường ngừng giảm và tăng trở lại. Ngược lại, mức kháng cự là nơi giá sẽ thường ngừng tăng và giảm trở lại. Các mức này tồn tại theo quy luật cung và cầu – nếu có nhiều người mua hơn người bán, giá có thể tăng; nếu có nhiều người bán hơn người mua, giá có xu hướng giảm.

  • Mức hỗ trợ là đường nối lần lượt các điểm đáy của giá. Tuỳ vào xu hướng giá mà mức hỗ trợ có thể ở dạng đường nghiêng góc hay nằm ngang.
  • Với xu hướng giá tăng, đường hỗ trợ có góc nghiêng dương. 
  • Với xu hướng giá duy trì ổn định, đường hỗ trợ sẽ nằm ngang.
  • Mức kháng cự là đường nối lần lượt các đỉnh giá với nhau. Cũng tương tự với mức hỗ trợ, mức kháng cự sẽ có thể có dạng đường nghiêng góc hoặc nằm ngang.
  • Với xu hướng giá giảm, đường kháng cự có góc nghiêng âm.
  • Với xu hướng giá ổn định, đường kháng cự sẽ nằm ngang.

Mức hỗ trợ và kháng cự

  • Chỉ báo khối lượng

Các chỉ báo khối lượng (Volume indicators) chỉ ra số lượng cổ phiếu được giao dịch tại một thời điểm nhất định. Nó phản ánh mức độ phổ biến của một cổ phiếu. Nếu một cổ phiếu có khối lượng giao dịch giảm đáng kể, nhà đầu tư nên cân nhắc xem xét lại cổ phiếu này. 

Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý thêm các trường hợp sau đây:

Thứ nhất, khi giá tăng nhưng khối lượng giảm đột ngột, thì đây có thể là tín hiệu cho sự đảo chiều sớm của giá hoặc thể hiện việc cổ phiếu này đang không được các nhà đầu tư ưa chuộng, quan tâm.

Thứ hai, khi giá chuyển động nhanh, mạnh mẽ và khối lượng giao dịch tăng nhanh chóng, đây có thể là báo hiệu cho xu hướng tương ứng đang sắp chuẩn bị kết thúc.

Thứ ba, khi giá chuyển động thấp hơn nhưng không chạm đáy và khối lượng giao dịch tăng, có thể đây là dấu hiệu của sự tăng giá.

Tóm lại, các nhà đầu tư nên kết hợp so sánh biến động giá với khối lượng giao dịch để đưa ra được các kết quả phân tích chính xác nhất.

Chỉ số khối lượng của Công ty Cổ phần Nhựa An Phát Xanh (AAA) (Nguồn: cafef)

  • Chỉ báo động lượng

Chỉ báo động lượng (Momentum indicators) được dùng để đo tốc độ tăng hoặc giảm giá cổ phiếu. Đây là một chỉ báo rất hữu ích giúp nhà đầu tư xác định điểm mạnh hoặc điểm yếu trong giá của cổ phiếu. Tuy nhiên, bởi vì chỉ báo này cho thấy sức mạnh của giá khi biến động nhưng lại bỏ qua tính định hướng của giá. Do đó, chỉ báo động lượng được vận dụng hiệu quả nhất khi kết hợp với các chỉ báo kỹ thuật khác, đặc biệt là các chỉ báo thể hiện xu hướng giá như đường xu hướng và đường trung bình động.

Ngoài ra, chỉ báo động lượng cũng được các nhà phân tích áp dụng để phát hiện ra các điểm mà ở đó thị trường có dấu hiệu đảo chiều thông qua sự phân kỳ giữa biến động giá và động lượng.

Một số chỉ báo động lượng được sử dụng phổ biến:

  • Đường trung bình động phân kỳ hội tụ (MACD)

  • Chỉ số sức mạnh tương đối (RSI)

  • Chỉ số định hướng trung bình (ADX)

Chỉ số động lượng

  • Bộ dao động

Bộ dao động (Oscillators) là chỉ báo được xây dựng theo xu hướng dao động của giá, thể hiện qua các dải cao và thấp giữa hai giá trị giới hạn. Nhà đầu tư thường sử dụng để xác định xem một cổ phiếu có đang được mua quá mức (định giá quá cao) hay bán quá mức (định giá thấp) trong ngắn hạn hay không.

Bộ tạo dao động hoạt động tốt trên các thị trường tài chính khác nhau vì hầu hết các thị trường này đều có xu hướng. Khi sử dụng chỉ báo này, nhà đầu tư nên chú ý đến các điểm giao giữa, hướng đến các giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất, phân kỳ đều hoặc phân kỳ ẩn.

Các bộ dao động phổ biến:

  • Chỉ số sức mạnh tương đối
  • Bộ giao động ngẫu nhiên
  • Chỉ số sức mạnh thực
  • Bộ giao động cuối cùng

Bộ dao động

Vai trò của Phân tích kỹ thuật trong đầu tư chứng khoán

Phân tích kỹ thuật là một công cụ hiệu quả giúp nhà đầu tư có thể đưa ra các quyết định tối ưu trong việc mua bán trên thị trường chứng khoán. Cụ thể, nó có ba vai trò chính sau đây:

  • Công cụ báo động

Nó cảnh báo sự xuyên thủng các ngưỡng an toàn và thiết lập các ngưỡng an toàn mới, phổ biến nhất là thiết lập đỉnh giá mới thay đỉnh giá cũ, hoặc đáy mới thay đáy cũ.

  • Công cụ xác nhận

Khi kết hợp phương pháp phân tích kỹ thuật kết với những phương pháp phân tích khác để xác nhận xu hướng đi của sản phẩm. Điều này sẽ giúp các nhà đầu tư có được nhận định và góc nhìn khách quan hơn, từ đó đưa ra kết luận chính xác hơn trong kế hoạch giao dịch.

  • Công cụ dự đoán 

Nhà đầu tư thường sử dụng phân tích kỹ thuật để dự đoán giá tương lai. Điều này quả thật rất tuyệt vời nếu các nhà đầu tư biết tận dụng nó để tối đa hóa lợi nhuận.Tuy nhiên, vì bản chất của phân tích kỹ thuật là thống kê giá của quá khứ; hay nói cách khác, các chỉ báo kỹ thuật thường có một độ trễ nhất định, do đó các nhà đầu tư cần tính toán đến xác suất sai số.

Vai trò của phân tích kỹ thuật

Ưu – nhược điểm của Phân tích kỹ thuật

Ưu điểm

  • Phân tích kỹ thuật thường được dùng để xác định thời điểm giao dịch (vào lệnh, chặn lỗ, chốt lời,..) với tỷ lệ chính xác cao, mang lại kết quả nhanh, dễ sử dụng.
  • Nhờ vào chỉ báo và các mô hình được phát triển bởi các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm, nhà đầu tư có thể sử dụng phương pháp giao dịch này có thể thiết lập các lệnh thị trường một cách phù hợp.
  • Với vô vàn các chỉ báo kỹ thuật và mô hình giá, phương pháp giao dịch theo trường phái phân tích kỹ thuật tạo ra sự đa dạng cho nhà đầu tư có thể thỏa mái lựa chọn công cụ chỉ báo phù hợp với phong cách và mục tiêu bản thân.

Nhược điểm

  • Không phải tất cả các mô hình và chỉ báo đều đưa ra tín hiệu chính xác tuyệt đối ở mọi thời điểm, nó chỉ mang tính chất tương đối vì thị trường chứng khoán có nhiều yếu tố biến động không thể lường trước và không thể được phát hiện thông qua phân tích kỹ thuật . Do đó nên kết hợp nhiều công cụ lại với nhau để đưa ra dự đoán chuẩn xác hơn.
  • Các nhà đầu tư có thể bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông và áp dụng phân tích kỹ thuật cứng nhắc dẫn đến quyết định giao dịch của mình bị sai lệch.

Ưu và nhược điểm của phân tích kỹ thuật

So sánh Phân tích kỹ thuật và Phân tích cơ bản

 Phân tích kỹ thuậtPhân tích cơ bản
Phương phápPhân tích biểu đồ, tận dụng sức mạnh công nghệ tin học

Phân tích kỹ thuật dựa trên biểu đồ giá, khối lượng giao dịch để dự đoán biến động giá. Nó cho thấy những gì đang xảy ra trên thị trường hiện tại và những gì đã xảy ra trước đó.

 

Phân tích giá trị nội tại thông qua tin tức, báo cáo kinh tế, các chỉ số tài chính như: khả năng phát triển; rủi ro; dòng tiền mặt

Phân tích cơ bản chỉ ra những yếu tố cơ bản (kinh tế) nào đã làm cho giá cả biến động trên biểu đồ.

Mục đích sử dụngXác định thời điểm giao dịch (vào lệnh, chặn lỗ, chốt lời,..)Đánh giá giá trị hiện tại của cổ phiếu và kỳ vọng giá trong tương lai để đưa ra quyết định đầu tư
Phương pháp phân tíchPhân tích dựa trên các chỉ số (RSI, MACD, Oscillator,…)

Phân tích dựa vào biến động giá, diễn biến biểu đồ.

Phân tích kinh tế vĩ mô, Phân tích kinh tế ngành, Phân tích công ty
Thời gian nắm giữ cổ phiếuCó thể là trung – dài hạn, nhưng hầu hết chỉ giữ trong ngắn hạn – vài ngày, vài phút, thậm chí chỉ vài giâyThường là trung và dài hạn. Có thể giữ trong nhiều tuần, thậm chí là nhiều tháng.
Đối tượng nhà đầu tưNhà đầu tư ngắn hạn

Giao dịch tự do, đầu cơ

Nhà đầu tư dài hạn, nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Ysradar vừa chia sẻ cho nhà đầu tư các thông tin về phân tích kỹ thuật trong đầu tư chứng khoán. Hy vọng qua bài viết này, các nhà đầu tư sẽ có thêm nhiều thông tin bổ ích về phương pháp phân tích chứng khoán này. Hãy cùng theo dõi website Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam để biết thêm nhiều thông tin hơn về thị trường chứng khoán nhé!

Chia sẻ: clipboard facebook twitter goolge linkedin