Chỉ tiêu EBIT VÀ EBITDA: Ứng dụng trong đầu tư chứng khoán

Chỉ tiêu EBIT VÀ EBITDA: Ứng dụng trong đầu tư chứng khoán

EBIT và EBITDA là hai chỉ số quan trọng trong kinh tế, tài chính dùng để đo lường hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp. Vậy hai chỉ tiêu này là gì, công thức tính, ý nghĩa cũng như ứng dụng chúng trong chứng khoán ra sao? Hãy cùng Yuanta tìm hiểu kỹ hơn qua bài viết dưới đây nhé.

Chỉ tiêu EBIT VÀ EBITDA

Chỉ tiêu EBIT VÀ EBITDA

EBIT là gì?

EBIT (Earning Before Interest and Tax) hay còn được hiểu là lợi nhuận trước thuế và lãi vay, là một chỉ tiêu tài chính hữu ích để đánh giá lợi nhuận kiếm được từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của một doanh nghiệp. 

Hệ số EBIT không bao gồm các yếu tố về cấu trúc vốn và thuế nên có thể làm rõ được khả năng tạo ra lợi nhuận của doanh nghiệp, điều này giúp nhà đầu tư dễ dàng so sánh các doanh nghiệp cùng ngành với nhau hơn.

Chỉ số EBIT là gì?

Công thức tính EBIT

EBIT được tính vô cùng đơn giản, có thể sử dụng một trong ba công thức sau đây:

Công thức

EBIT = Lợi nhuận ròng (LNST) + Chi phí lãi vay + Thuế TNDN

EBIT = Lợi nhuận trước thuế + Chi phí lãi vay

EBIT = Tổng doanh thu – Chi phí hoạt động

 

Các thông tin, dữ liệu về lợi nhuận trước thuế, lợi nhuận sau thuế, chi phí lãi vay, doanh thu, chi phí,… đều được thể hiện trên Báo cáo Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó việc tính toán EBIT sẽ khá dễ dàng đối với các nhà đầu tư.

Công thức tính EBIT

Ví dụ cụ thể về cách tính EBIT 

Ví dụ 1: 

Doanh nghiệp N đang hoạt động kinh doanh có tổng doanh thu là 250 tỷ đồng, chi phí hoạt động là 150 tỷ đồng, chi phí lãi vay là 5 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp N là 95 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp phải đóng là 12 tỷ đồng.

Ta có: 

Lợi nhuận sau thuế = Lợi nhuận trước thuế – Thuế TNDN = 95 – 12 = 83 tỷ đồng.

  • EBIT của doanh nghiệp N tính theo 3 cách là:
  • EBIT = Lợi nhuận ròng + Thuế TNDN + Chi phí lãi vay = 83 + 12 + 5 tỷ = 100 tỷ đồng
  • EBIT = Lợi nhuận trước thuế  + Chi phí lãi vay = 95 + 5 = 100 tỷ đồng
  • EBIT = Tổng doanh thu – Chi phí hoạt động = 250 – 150 = 100 tỷ đồng

Ví dụ 2:

Dựa vào Báo cáo Kết quả HĐKD năm 2019 của Công ty Cổ phần Đầu tư và Sản xuất Thống Nhất – GTNFoods để tính EBIT của doanh nghiệp này:

Báo cáo Kết quả HĐKD của GTNFoods

Ta có:

LN trước thuế = 9,085,940,810 VND

Chi phí lãi vay = 2,348,309,930 VND

Suy ra: EBIT = LN trước thuế + Chi phí lãi vay = 9,085,940,810 + 2,348,309,930 = 11,434,250,740 VND

 

Ý nghĩa của EBIT 

Bất kỳ chỉ số tài chính nào cũng mang ý nghĩa nhất định đối với doanh nghiệp và cả nhà đầu tư. Đối với EBIT cũng vậy, nó giúp cho các nhà đầu tư có được đánh giá tổng quan nhất về tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bao gồm:

  • Đánh giá và so sánh về khả năng tạo ra lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của các doanh nghiệp khi thuế thu nhập và chi phí lãi vay đều bị loại bỏ. 
  • Được các nhà đầu tư sử dụng để đánh giá năng lực tài chính của doanh nghiệp như: khả năng sinh lời, khả năng trả nợ hay khả năng duy trì và phát triển các kế hoạch kinh doanh trong tương lai,…
  • Giúp nhà đầu tư đánh giá được tiềm năng phát triển và hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp, từ đó đưa ra được quyết định đầu tư tối ưu nhất.

Ý nghĩa của EBIT

Ứng dụng của EBIT trong đầu tư chứng khoán

EBIT được sử dụng rất nhiều trong đầu tư chứng khoán, một số ứng dụng phổ biến có thể kể đến đó là: Tính toán EBIT Margin, Mô hình Dupont 5 nhân tố, Tính toán khả năng thanh toán lãi vay, Chỉ số EV/EBIT,…

  • Tính toán EBIT Margin

EBIT Margin (Biên EBIT) là hệ số biên của lợi nhuận trước thuế và lãi vay, được dùng để đánh giá tình hình hoạt động của một doanh nghiệp qua từng năm hoặc so sánh với các doanh nghiệp khác cùng ngành.

Khi EBIT margin của một doanh nghiệp luôn cao hơn 15% và được duy trì hoặc tăng đều đặn qua các năm, chứng tỏ tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó đang phát triển tốt.

  • Mô hình Dupont 5 nhân tố

Mô hình Dupont 5 nhân tố được sử dụng để phân tích khả năng sinh lời của doanh nghiệp thông qua việc phân tích mối liên hệ giữa các chỉ tiêu tài chính, từ đó có thể phát hiện ra những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 

Mô hình Dupont được thiết lập dựa trên ROE – tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu vì ROE được các nhà phân tích nhận định là một trong những chỉ số tài chính quan trọng nhất trong đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Mô hình này có 5 nhân tố bao gồm: hệ số gánh nặng thuế, hệ số gánh nặng lãi vay, biên EBIT, vòng quay tổng tài sản, hệ số vốn chủ sở hữu. Cụ thể được thể hiện qua công thức sau:

Từ công thức trên ta cũng có thể thấy, EBIT đóng góp một vai trò quan trọng trong việc xây dựng lên mô hình Dupont 5 nhân tố, cụ thể EBIT chính là yếu tố cốt lõi của hai chỉ số: gánh nặng lãi vay và biên EBIT.

  • Tính toán khả năng thanh toán lãi vay

Việc tính toán khả năng thanh toán lãi vay giúp nhà đầu tư biết được doanh nghiệp đang xem xét có đủ khả năng hoàn trả đầy đủ các khoản lãi vay của mình hay không.

Khả năng thanh toán lãi vay = EBIT/ Chi phí lãi vay

Dựa vào công thức trên ta thấy được, khả năng thanh toán lãi vay của một doanh nghiệp phụ thuộc vào EBIT và chi phí lãi vay. Khi chỉ số khả năng thanh toán càng cao chứng tỏ doanh nghiệp càng có dư khả năng để thanh toán các khoản lãi vay mà mình phải thực hiện.

  • Chỉ số EV/EBIT

EV/EBIT (enterprise value to earnings before interest and taxes) là giá trị doanh nghiệp trên thu nhập trước thuế và lãi vay, là chỉ số được sử dụng để định giá doanh nghiệp trong quá trình đầu tư cổ phiếu và để so sánh giá trị tương đối của các doanh nghiệp khác nhau trong cùng hoặc khác ngành. 

Trong đó, EV là giá trị doanh nghiệp – là toàn bộ giá trị của doanh nghiệp, mà không tính đến cơ cấu vốn của nó và không bao gồm tiền mặt, được tính bằng công thức:

EV = Vốn hoá thị trường + Tổng nợ – Tiền và các khoản tương đương tiền 

= (Giá cổ phiếu x Số lượng cổ phiếu đang lưu hành) + Vay ngắn hạn và dài hạn + Lợi ích cổ đông thiểu số + Giá trị thị trường của cổ phiếu ưu đãi – Tiền và các khoản tương đương tiền

Chỉ số này giúp nhà đầu tư biết được thời gian để bù đắp các chi phí từ việc mua lại doanh nghiệp trong điều kiện EBIT không đổi. Do đó giá trị EV/EBIT càng thấp sẽ càng tốt cho các nhà đầu tư.

Ứng dụng của EBIT trong chứng khoán

EBITDA là gì?

EBITDA (Earnings Before Interest, Taxes, Depreciation and Amortization) được hiểu là thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao. Trong đó: Depreciation là khấu hao tài sản hữu hình, Amortization là khấu hao tài sản vô hình.

EBITDA là một biện pháp kế toán dựa vào tỉ suất lợi nhuận, dùng để đánh giá hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp. EBITDA có thể loại bỏ được những ảnh hưởng về mặt tài chính (cách trích khấu hao) và kế toán gây ra. Từ đó, nhà đầu tư có thể đánh giá chi tiết hơn về các lợi nhuận thực tế và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Không những vậy, chỉ số EBITDA còn được dùng để so sánh và phân tích mức lợi nhuận giữa các doanh nghiệp hoặc giữa các ngành với nhau.

EBITDA là gì? Khái niệm về EBITDA

Công thức tính EBITDA

Có thể sử dụng một trong ba công thức sau đây để tính EBITDA

Công thức

EBITDA = Lợi nhuận sau thuế + Lãi vay + Thuế + Khấu hao

EBITDA = Lợi nhuận trước thuế + Lãi Vay + Khấu hao

EBITDA = EBIT + Khấu hao

Công thức tính toán gần giống với EBIT, tuy nhiên EBITDA có bao gồm thêm cả chi phí khấu hao. Khấu hao thường để lấy ở hai nguồn chính, đó là:

  • Từ bảng cân đối kế toán tại mục khấu hao luỹ kế trong năm (năm cần tính trừ năm liền kề trước đó).
  • Từ bảng luân chuyển dòng tiền tại mục khấu hao tài sản

Công thức tính EBITDA

Ví dụ về cách tính EBITDA

Tiếp tục với Công ty Cổ phần Đầu tư và Sản xuất Thống Nhất – GTNFoods trên phần ví dụ của EBIT, để tính được EBITDA, cần biết thêm thông tin về khấu hao trong Báo cáo Lưu chuyển tiền tệ

Báo cáo Lưu chuyển tiền tệ của GTNFoods

Ta có:

Khấu hao = 193,456,088,649 đồng

EBIT đã tính trước đó = 11,434,250,740 đồng

Suy ra: EBITDA = EBIT + Khấu hao = 11,434,250,740 +193,456,088,649 = 204,890,449,400 đồng

 

Ý nghĩa của EBITDA trong phân tích

Tương tự với EBIT, EBITDA cũng là một chỉ số tài chính để đánh giá dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy EBITDA không phải là một thước đo tài chính được công nhận trong các Nguyên tắc kế toán nhưng nó được sử dụng rộng rãi, nhất là trong các nghiệp vụ sáp nhập/mua lại của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Sau đây là một số ý nghĩa của chỉ số EBITDA:

  • EBITDA giúp nhà quản lý và nhà đầu tư đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp một cách chính xác, nhờ đó có thể dự đoán đúng về tiềm năng phát triển của doanh nghiệp đó trong tương lai.
  • Giúp các nhà đầu tư loại trừ được các yếu tố kế toán (lãi vay, thuế, khấu hao), đây là những yếu tố có thể làm che đi những phát triển thực sự trong kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó, nhà đầu tư có cái nhìn bao quát và toàn cảnh hơn về tình hình tài chính của doanh nghiệp đang được quan tâm.
  • Đối với các doanh nghiệp thuộc những ngành có tỷ trọng tài sản lớn, đặc biệt là các ngành sản xuất, công nghệ thông tin, lợi nhuận ròng thường sẽ thấp. Tuy nhiên, EBITDA sẽ giúp làm đẹp báo cáo tài chính, tạo được lòng tin cho nhà đầu tư. Cụ thể là vì những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực có tỷ trọng tài sản lớn dẫn đến có khấu hao cao, làm cho EBITDA cao lên và tạo ra kết quả kinh doanh ảo hơn so với thực tế. 
  • Đối với trường hợp phân tích, đánh giá những doanh nghiệp đang có sự chênh lệch về thuế TNDN lớn thì EBITDA là một chỉ số hiệu quả giúp đánh giá đúng về tiềm năng phát triển của mỗi doanh nghiệp, nhờ vậy mà nhà đầu tư có thể đưa ra các lựa chọn tối ưu nhất.

Ý nghĩa của EBITDA

Ứng dụng của EBITDA trong đầu tư chứng khoán

EBITDA thường được dùng phổ biến ở những ngành sản xuất có giá trị tài sản, tỷ trọng và quy mô lớn, chi phí khấu hao cao, hoặc dùng để so sánh các doanh nghiệp cùng ngành trong một khoảng thời gian dài để có được cái nhìn chính xác nhất. Đặc biệt, EBITDA còn được vận dụng trong một số mô hình định giá, bao gồm: EBITDA Margin, Net Debt/EBITDA, EV/EBITDA,…

  • EBITDA Margin

Tương tự với EBIT margin, EBITDA margin (Biên EBITDA) cũng được sử dụng để phân tích, so sánh doanh nghiệp qua các năm hoặc so với các doanh nghiệp khác nhau trong cùng ngành.

EBITDA Margin = EBITDA/ Doanh thu thuần

Biên EBITDA được coi là tỷ suất lợi nhuận hoạt động tiền mặt của một doanh nghiệp, không tính đến chi phí, thuế và cấu trúc vốn, giúp loại bỏ các tác động của chi phí không dùng tiền mặt.

Biên EBITDA rất hữu ích trong việc đánh giá hiệu quả của các nỗ lực cắt giảm chi phí của doanh nghiệp. Nếu một doanh nghiệp có EBITDA margin cao, nghĩa là chi phí hoạt động của doanh nghiệp đó đang thấp hơn so với tổng doanh thu. Do đó doanh nghiệp có biên EBITDA duy trì ở mức cao chứng tỏ đang hoạt động và phát triển tốt.

  • Chỉ số Nợ vay ròng/ EBITDA (Net Debt/ EBITDA)

Chỉ số Nợ vay ròng/EBITDA cho biết cần khoảng thời gian là bao lâu thì doanh nghiệp có thể trả hết các khoản nợ với mức EBITDA hiện tại.

Nợ vay ròng = Nợ ngắn hạn + Nợ dài hạn – Tiền và tương đương tiền

Tỉ lệ nợ ròng trên EBITDA thấp thường sẽ là tốt vì khi đó doanh nghiệp đang vay nợ ở mức trong khả năng chi trả của mình. Ngược lại, nếu tỉ lệ này cao, điều đó là đáng lo ngại vì doanh nghiệp đang gặp phải gánh nặng về nợ, khoản nợ này vượt quá khả năng chi trả.

Tùy vào nhu cầu sử dụng vốn của từng ngành mà tỷ lệ nợ ròng trên EBITDA sẽ khác nhau giữa các ngành. Do đó, tỉ lệ này sử dụng hiệu quả nhất khi so sánh các doanh nghiệp trong cùng một ngành với nhau.

  • Chỉ số EV/EBITDA

EV/EBITDA là chỉ số phổ biến trên thế giới, được các nhà đầu tư dùng để định giá cổ phiếu. Chỉ số này cho biết thời gian cần để có thể thu hồi lại đủ số tiền đã bỏ ra với mức EBITDA xác định (không đổi theo các năm).

Giống với EV/EBIT, nhà đầu tư sẽ tìm kiếm các doanh nghiệp có EV/EBITDA càng thấp càng tốt.

Ứng dụng EBITDA trong chứng khoán

Sự khác biệt giữa EBIT và EBITDA

Sự khác biệt giữa EBIT và EBITDA

 

Tiêu chí so sánhEBITEBITDA
Khái niệmThu nhập trước thuế và lãi vayThu nhập trước thuế, lãi vay và khấu hao
Ý nghĩaEBIT là thước đo lợi nhuận của một doanh nghiệp, bao gồm tổng doanh thu trừ đi chi phí, ngoại trừ thuế thu nhập và lãi vay.EBITDA là thước đo hiệu suất của một doanh nghiệp, bao gồm tổng doanh thu trừ đi các loại chi phí ngoại trừ tiền lãi, khấu hao và thuế. 
Công thứcEBIT = Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế + Chi phí lãi vayEBITDA = Lợi nhuận trước thuế + Chi phí lãi vay + Khấu hao.

Bài viết trên vừa tổng hợp lại các kiến thức về EBIT và EBITDA cũng như tính ứng dụng của nó trong đầu tư chứng khoán. Yuanta Việt Nam hy vọng qua bài viết này, nhà đầu tư sẽ có thêm nhiều thông tin và kiến thức hơn về hai chỉ số này. Hãy cùng theo dõi website https://ysradar.yuanta.com.vn/ để biết thêm nhiều thông tin thú vị về thị trường chứng khoán nhé!

Chia sẻ: clipboard facebook twitter goolge linkedin