Chỉ báo MACD là gì? Những điều cần biết về đường chỉ báo MACD

Chỉ báo MACD là gì? Những điều cần biết về đường chỉ báo MACD

Chỉ báo MACD là một trong những chỉ báo quan trọng trong phân tích kỹ thuật chứng khoán, tài chính. Chỉ báo này thể hiện tín hiệu mua/bán cổ phiếu, xác định độ mạnh của xu hướng, từ đó giúp nhà đầu tư dự đoán được chính xác sự hình thành của các xu hướng giá mới. Để biết cụ thể hơn về Chỉ báo MACD là gì? Cách sử dụng chỉ báo này như thế nào? Hãy cùng YSradar theo dõi bài viết sau đây nhé. 

Chỉ báo MACD là gì?

MACD là một chỉ báo trễ (lagging indicator) được phát triển bởi Gerald Appel – nhà quản lý tài sản chuyên nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực phân tích thị trường kỹ thuật.

MACD (Moving Average Convergence/ Divergence) là chỉ báo được sử dụng phổ biến trong phân tích kỹ thuật để tìm ra động lượng của giá, xác định mức độ mạnh yếu và quá trình thay đổi tăng giảm của xu hướng giá. Đây là một trong những chỉ báo có thể xác định được chính xác giá trị mà nó tạo ra thông qua yếu tố phân kỳ và hội tụ.

Chỉ báo MACD là gì?

Chỉ báo MACD có những thành phần nào?

Chỉ báo MACD có cấu tạo khá phức tạp gồm 4 thành phần khác nhau. Mỗi phần trong chỉ báo mang một ý nghĩa riêng và đóng một vai trò nhất định, cụ thể như sau:

  • Đường MACD

Đường MACD thể hiện mức chênh lệch giữa hai chỉ báo trung bình động lũy thừa EMA, đóng vai trò xác định xu hướng tăng/ giảm của giá trên thị trường. Thông thường đó là 2 trung bình trượt luỹ thừa của 2 chu kỳ 12 ngày và 26 ngày. Trong đó:

  • Đường EMA12 (EMA chu kỳ 12 ngày) là đường ngắn hơn, di chuyển nhanh hơn và chịu trách nhiệm cho phần lớn các chuyển động của MACD. 
  • Đường EMA26 (EMA chu kỳ 26 ngày) là đường dài hơn, phản ứng với những thay đổi về giá chậm hơn so với EMA12. 

Công thức tính đường MACD: 

Đường MACD = EMA12 – EMA26

Ví dụ về chỉ báo MACD của cổ phiếu VCB – Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam 

Ví dụ về đường MACD

Theo hình trên, tại ngày 30/12/2021, ta thấy hai đường EMA có giá trị là:

EMA12 – 50,8145 – đường màu cam 

EMA26 – 50,6055 – đường màu xanh lá

Dựa vào công thức tính đường MACD: 

Đường MACD = EMA12 – EMA26 = 50,8145 – 50,6055 = 0,2090

Vậy đường MACD chính là đường màu xanh nước biển trên biểu đồ.

  • Đường Signal (tín hiệu)

Đường signal chính là EMA9 (EMA chu kỳ 9 ngày) của đường MACD. Khi kết hợp hai đường Signal và MACD lại sẽ tạo ra được các tín hiệu đảo chiều, giúp nhà đầu tư đưa ra được các quyết định đầu tư tối ưu.

Công thức tính đường signal: 

Đường Signal = EMA9 của đường MACD

Ý nghĩa thông thường của EMA9 sẽ là lấy giá trị của giá để tính EMA, còn đối với EMA9 của đường MACD thì được hiểu là lấy giá trị của đường MACD để tính EMA (giá trị đường MACD đã có công thức tính ở trên).

Đường Signal thường được vẽ tự động trên các nền tảng giao dịch và giúp nhà phân tích dễ dàng phát hiện ra tín hiệu khi đường MACD giao cắt với nó.

  • Trong xu hướng tăng, đường MACD cắt đường tín hiệu theo hướng từ dưới lên
  • Trong xu hướng giảm, đường MACD cắt đường tín hiệu theo hướng từ trên xuống

Trong ví dụ về chỉ báo MACD trên biểu đồ của cổ phiếu VCB – Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam ở phần trên, đường signal chính là đường màu đỏ. Giá trị đường signal trên hình là 0.6348 (EMA9 của MACD).

Ví dụ về đường Signal

  • Biểu đồ histogram (Biểu đồ tần số)

Biểu đồ thể hiện sự hội tụ và phân kỳ, dùng để đo khoảng chênh lệch của đường MACD và đường tín hiệu signal. Sự chênh lệch này được thể hiện bằng các trụ tiến lên hoặc đi xuống với kích thước dài ngắn không đều nhau.

Công thức tính histogram:

Histogram = Đường MACD – Đường Signal

Các kích thước không đều, dài ngắn khác nhau của các trụ trên biểu đồ histogram thể hiện các thông tin liên quan tới xung lượng giá. 

Trong ví dụ về chỉ báo MACD trên biểu đồ của cổ phiếu VCB – Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam ở phần trên, biểu đồ histogram là các trục màu đỏ lên xuống có độ dài khác nhau với giá trị là – 0.4258 (0,2090 – 0.6348).

Ví dụ về biểu đồ Histogram

  • Đường Zero

Đường zero đóng vai trò là đường tham chiếu để đánh giá độ mạnh của một xu hướng, nó còn được xem là ngưỡng hỗ trợ/ kháng cự của chỉ số MACD trong một vài trường hợp. Cụ thể là:

  • Khi đường MACD và đường signal tiến đến gần đường zero theo hướng từ trên xuống và sau đó có xu hướng quay đầu => đường zero lúc này chính là ngưỡng hỗ trợ. Tuy nhiên, sẽ có trường hợp hai đường này đâm thẳng qua đường zero và tiếp tục đi xuống => đây là dấu hiệu cho thấy thị trường đang giảm giá mạnh.
  • Khi đường MACD và đường signal tiến gần đường zero theo hướng từ dưới lên và sau đó có xu hướng quay đầu trở lại => đường zero lúc này chính là ngưỡng kháng cự. Tuy nhiên, sẽ có trường hợp hai đường này sẽ đi thẳng qua đường zero và tiếp tục tiến lên trên => đây là dấu hiệu cho thấy thị trường đang tăng giá mạnh.

Ngoài ra, đường zero còn làm trục để histogram tham chiếu và dao động quanh nó:

  • Nếu đường MACD lớn hơn đường signal, các trụ của biểu đồ histogram sẽ tạo ra các đồi dương (nằm trên đường zero) 

=> Tâm lý của các nhà đầu tư đang khá tích cực trong thời gian gần đây.

  • Nếu đường MACD nhỏ hơn đường signal, các trụ của biểu đồ histogram sẽ tạo ra các đồi âm (nằm dưới đường zero) 

=> Tâm lý thị trường lúc này đang không được khả quan lắm.

Ý nghĩa của Chỉ báo MACD trong chứng khoán

Để sử dụng được chỉ báo MACD một cách hiệu quả, trước tiên nhà đầu tư phải hiểu được ý nghĩa mà chỉ báo này mang lại. Do đó, trong phần này, YSradar sẽ giới thiệu về một số ý nghĩa quan trọng của chỉ báo MACD mà các nhà đầu tư nên biết:

  • Dự báo về xu hướng giá, nhận biết tín hiệu mua bán

Chỉ báo MACD sẽ sử dụng 2 đường là đường MACD và đường signal để phân tích kỹ thuật, từ đó đưa ra các dự báo về xu hướng giá và giúp nhà đầu tư nhận biết điểm đặt lệnh mua bán:

  • Khi đường MACD giao với đường tín hiệu theo hướng từ dưới lên trên đường zero, báo hiệu giá sẽ tăng hơn mức hiện tại. Đây là tín hiệu tốt để các nhà đầu tư đặt lệnh mua vào ngay lúc hai đường cắt nhau.
  • Khi đường MACD giao với đường tín hiệu theo hướng từ trên xuống dưới đường zero, báo hiệu giá đang trên đà giảm. Đây là tín hiệu tốt để đặt lệnh bán ra ngay thời điểm giao cắt.

Tuy nhiên, độ chính xác của chỉ báo này là không cao so với các chỉ số phân tích kỹ thuật khác vì nó thường xuất hiện nhiều tín hiệu giao dịch không chính xác hoặc phát tín hiệu nhưng bị trễ so với xu hướng giá của thị trường.

Chỉ báo MACD dùng để xác định xu hướng giá

  • Xác định diễn biến giá qua phân tích tính phân kỳ và hội tụ

Sự hội tụ xảy ra khi các đường trung bình động EMA12 và EMA26 hướng về nhau. Sự phân kỳ diễn ra khi các đường trung bình động này di chuyển ra xa nhau. 

  • Khi biểu đồ tần suất (MACD histogram) nằm trên đường zero và EMA12 (EMA ngắn) ở trên EMA26 (EMA dài) => biểu đồ tần suất dương (hướng lên) báo hiệu xu hướng giá tăng (bullish).
  • Khi biểu đồ này nằm dưới đường zero và EMA ngắn ở dưới EMA dài => biểu đồ tần suất âm (hướng xuống) báo hiệu xu hướng giảm (bearish).

Chỉ báo MACD xác định diễn biến giá

Một số hạn chế của Chỉ báo MACD

Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong việc xác định xu hướng hay cung cấp các thông tin về thị trường chứng khoán, chỉ báo MACD vẫn tồn tại một vài hạn chế sau đây:

  • Đưa ra các tín hiệu nhiễu dễ dẫn đến thua lỗ. Sự phân kỳ/ hội tụ thường có thể báo hiệu được dấu hiệu đổi chiều nhưng lại hay mắc phải các báo hiệu giả, gây nhầm lẫn cho nhà đầu tư.
  • Cung cấp số liệu chủ quan cho các nhà đầu tư. Mỗi nhà đầu tư có thể thực hiện cài đặt các chỉ số liên quan theo sở thích và mục đích khác nhau. Do đó kết quả MACD này sẽ không đồng nhất.
  • Các chỉ số MACD dễ đưa ra các tín hiệu chậm bởi vì sự trễ nhịp giao nhau giữa các đường trung bình động.
  • Để sử dụng hiệu quả chỉ số MACD đòi hỏi nhà đầu tư phải nhạy bén với thị trường và nắm được khung thời gian nào MACD hoạt động hiệu quả nhất. Đây không phải là điều dễ dàng và cần nhiều trải nghiệm, do đó nhà đầu tư nên học hỏi, tìm hiểu nhiều hơn và lắng nghe tư vấn, chia sẻ từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này.

Một số hạn chế của chỉ báo MACD

Ứng dụng Chỉ báo MACD trong đầu tư chứng khoán 

  • Giao dịch khi đường MACD và đường signal giao cắt nhau

Đây là cách giao dịch cơ bản nhất của chỉ báo này, cụ thể là:

  • Khi đường MACD giao cắt đường signal theo chiều từ dưới lên trên đường zero => Dấu hiệu cho thấy thị trường tăng giá => Điểm mua

Mua khi đường MACD giao cắt đường signal theo chiều từ dưới lên trên

  • Khi đường MACD giao cắt đường signal theo chiều từ trên xuống dưới đường zero => Dấu hiệu cho thấy thị trường giảm giá => Điểm bán

Bán khi đường MACD giao cắt đường signal theo chiều từ trên xuống dưới

Tuy nhiên, cách giao dịch này có một số nhược điểm sau:

  • Chỉ hiệu quả trong thị trường có xu hướng rõ ràng.
  • Tín hiệu chậm, đôi lúc khi đường MACD cắt đường signal thì giá đã đi được một đoạn dài, thậm chí là đã ở cuối xu hướng.

Do đó, cần phải kết hợp với các cách giao dịch và các chỉ báo khác chứ không phải chỉ quan sát mỗi dấu hiệu hai đường MACD và signal cắt nhau để đưa ra quyết định đầu tư.

  • Giao dịch MACD kết hợp đa khung thời gian

Cách này sẽ giảm thiểu được rủi ro hơn so với cách giao dịch dựa vào điểm cắt nhau giữa đường MACD và đường signal. Xét MACD tại nhiều thời điểm, nhiều trường hợp khác nhau sẽ giúp có được kết quả khách quan và chính xác hơn.

Để thực hiện cách giao dịch này, đầu tiên cần xác định xu hướng ở khung lớn trong khoảng thời gian rộng để xác định xu hướng giá, sau đó sẽ kết hợp với khung nhỏ hơn để tìm kiếm điểm đặt lệnh. 

Thông thường khung D1 sẽ được sử dụng phổ biến nhất để xác định xu hướng giá, khung H1 và H4 để tìm kiếm điểm vào lệnh. Trong đó:

  • D1 là khung thời gian hàng ngày, mỗi nến hiển thị biến động giá trong một ngày.
  • H4 là khung thời gian bốn giờ, mỗi nến hiển thị chuyển động giá trong bốn giờ.
  • H1 là khung thời gian hàng giờ, mỗi nến hiển thị chuyển động giá trong một giờ.

Cách giao dịch MACD kết hợp đa khung thời gian được thực hiện như sau:

Bước 1: Dựa vào D1 để xác định xu hướng giá của thị trường

  • Nếu đường MACD cắt đường tín hiệu từ dưới lên, các đỉnh nến sau cao hơn đỉnh trước và các đáy nến sau cao hơn đáy trước thì D1 có xu hướng tăng.
  • Ngược lại, đường MACD cắt đường tín hiệu từ trên xuống, các đáy thấp hơn, các đỉnh thấp hơn so với các đáy và đỉnh ở trước, thì D1 có xu hướng giảm.

Bước 2: Tìm điểm vào lệnh ở khung H1 hoặc H4

  • Nếu D1 là xu hướng tăng, tìm điểm vào lệnh trên khung H1 hoặc H4 khi giá giảm ngay tại vị trí đường MACD cắt đường Signal theo hướng đi từ dưới lên.
  • Với D1 là xu hướng giảm tìm điểm vào lệnh trên khung H1 hoặc H4 khi giá tăng ngay tại vị trí đường MACD cắt đường Signal theo hướng từ trên xuống.
  • Giao dịch MACD với phân kỳ và hội tụ

Giao dịch phân kỳ/ hội tụ MACD trong xu hướng tăng

Trong xu hướng tăng, đỉnh giá sau cao hơn đỉnh giá trước nhưng đỉnh MACD sau lại thấp hơn đỉnh MACD trước. Sự mâu thuẫn xảy ra do xu hướng giá đang yếu dần, báo hiệu thị trường sắp đến giai đoạn đổi chiều.

Để giao dịch phân kỳ được hiệu quả, nhà đầu tư nên thực hiện các bước sau đây:

  • Bước 1: Chờ xuất hiện phân kỳ/ hội tụ

Phân kỳ/ Hội tụ MACD trong xu hướng tăng được xác định khi giá tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trước nhưng MACD lại tạo đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước. Các nhà đầu tư nên vào lệnh ngay thời điểm xuất hiện phân kỳ/ hội tụ, hoặc để chắc chắn hơn thì có thể chờ tín hiệu xác nhận từ điểm cắt của đường MACD và đường signal.

  • Bước 2: Vẽ đường xu hướng

Vẽ đường xu hướng cho xu hướng giá tăng hiện tại. Nếu xuất hiện phân kỳ/ hội tụ nhưng đường xu hướng giá chưa có dấu hiệu đảo chiều thì chưa giao dịch.

  • Bước 3: Chờ tín hiệu đường giá đổi chiều

Khi nhận được tín hiệu đường giá đảo chiều, tiến hành đặt lệnh bán.

Ngoài đường xu hướng ra, nhà đầu tư có thể kết hợp thêm ngưỡng hỗ trợ và kháng cự tại vùng đỉnh/ đáy khi xuất hiện phân kỳ/ hội tụ.

Phân kỳ của MACD trong xu hướng tăng

Giao dịch phân kỳ/ hội tụ MACD trong xu hướng giảm

Các bước thực hiện tương tự giống trong xu hướng tăng. Tuy nhiên, khi vào lệnh, nhà đầu tư nên xem xét 3 yếu tố sau:

  • Xác định được xu hướng giá đang tăng hay giảm tại khung lớn D1
  • Tại khung nhỏ giá đang tạo ra phân kỳ hoặc hội tụ.
  • Các đường Histogram bắt đầu dịch chuyển từ dương sang âm và ngược lại.

Phân kỳ của MACD trong xu hướng giảm

  • Kết hợp MACD với các mô hình nến đảo chiều

Cách thức này tuy đơn giản nhưng lại mang lại hiệu quả cao nhất trong các cách thức giao dịch của chỉ báo MACD. Đây là sự kết hợp theo dạng kép giữa mô hình nến đảo chiều với sự hội tụ và phân kỳ. Cụ thể, nhà đầu tư nên xem xét đặt lệnh bán khi xuất hiện 3 yếu tố sau:

  • Khi xu hướng tăng một thời gian dài, tạo ra các đáy và các đỉnh cao liên tiếp nhau
  • Phân kỳ diễn ra sau khi mô hình nến Doji được hình thành
  • Xuất hiện đồng thời nến đảo chiều tại đỉnh

Ba hiện tượng này đồng thời xảy ra chứng tỏ bên mua đang muốn đẩy giá cao nhưng bên bán lại đang có vị thế áp đảo họ nên bên mua không thể đẩy lên cao hơn được nữa.

Kết hợp MACD với các mô hình nến đảo chiều

  • Kết hợp MACD với các chỉ báo khác như: Stochastic, RSI…

Kết hợp MACD với chỉ báo Stochastic

Chỉ báo Stochastic (hay còn gọi đơn giản là Stochastic) là một chỉ báo động lượng được phát minh bởi tiến sĩ George Lane – nhà kinh doanh chứng khoán, nhà phân tích kỹ thuật nổi tiếng – vào những năm 1950 và vẫn được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay. Stochastic có nhiệm vụ đo lường động lượng của giá, cụ thể là so sánh giá đóng cửa của một cổ phiếu với một phạm vi giá của nó trong khoảng thời gian nhất định. Stochastic luôn thay đổi hướng trước giá và dao động dựa trên cơ sở sau:

  • Khi giá tăng, giá đóng cửa có khuynh hướng tiến gần đến biên trên của một khung giá.
  • Khi giá giảm, giá đóng cửa có khuynh hướng tiến gần đến biên dưới của một khung giá.

Việc kết hợp hai chỉ báo động lược Stochastic và MACD với nhau giúp nhà đầu tư có những đánh giá chính xác hơn. Như đã nói ở trên, Stochastic dùng để so sánh giá đóng cửa của một cổ phiếu với phạm vi giá của nó trong một khoảng thời gian nhất định, trong khi đó MACD lại được hình thành từ hai đường trung bình động để tạo ra phân kỳ và hội tụ. Nhờ vậy, khi sử dụng cùng lúc hai chỉ báo này, nhà đầu tư có thể xác định được đà xu hướng giá cũng như thời điểm giá đảo chiều hiệu quả hơn, chi tiết hơn là dùng để xác định điểm quá mua và quá bán.

  • Khi chỉ báo kết hợp giữa Stochastic và MACD vượt lên trên mức 10 thể hiện tín hiệu quá mua.
  • Khi chỉ báo kết hợp giữa Stochastic và MACD vượt xuống dưới -10, thể hiện tín hiệu quá bán.

Kết hợp giữa hai chỉ báo MACD và Stochastic

Kết hợp MACD với chỉ báo RSI

Chỉ báo RSI (Relative Strength Index) hay còn được gọi là chỉ số sức mạnh tương đối, là một chỉ số kỹ thuật phục vụ cho quá trình phân tích các sản phẩm của thị trường tài chính. Về cơ bản, chỉ số RSI được xây dựng để đo lường mức độ thay đổi giá trong khoảng thời gian gần nhất. Từ đó, giúp các nhà đầu xác định điểm quá mua và quá bán của thị trường. RSI được hiển thị dưới dạng một bộ dao động từ 0 đến 100 và là một đồ thị di chuyển giữa 2 điểm cực trị.

Trên thực tế, MACD được dùng để đo lường mối quan hệ giữa hai đường EMA, trong khi RSI đo lường sự thay đổi giá liên quan đến các mức giá cao và thấp trong thời gian gần đây. Hai chỉ số này thường được sử dụng cùng nhau để cung cấp cho các nhà phân tích một bức tranh kỹ thuật trọn vẹn và đầy đủ hơn về thị trường chứng khoán. 

Thực chất, cả hai chỉ số MACD và RSI đều đo lường động lượng trên thị trường, nhưng các yếu tố đo lường mà chúng hướng đến khác nhau nên đôi khi chúng đưa ra các chỉ báo trái ngược nhau. Nhưng khi cả hai cùng đưa ra một tín hiệu giống nhau thì mức độ tin cậy của tín hiệu này là rất cao và nhà đầu tư có thể yên tâm giao dịch khi nhận được các tín hiệu này.

Tóm lại, có thể thấy 2 chỉ báo này có sự liên quan và bổ sung thông tin cho nhau. Trong khi RSI cung cấp dự đoán về xu hướng giá giúp nhận biết điểm quá mua hay quá bán. thì chỉ báo MACD giúp tìm kiếm điểm vào lệnh khi biết được xu hướng và xác định chính xác được điểm đặt lệnh mua/ bán.

Kết hợp giữa hai chỉ báo MACD và RSI

Bài viết trên đây đã cung cấp cho quý nhà đầu tư một số kiến thức về chỉ báo MACD và ý nghĩa của nó trong thị trường tài chính. Qua bài viết này YSradar hy vọng nhà đầu tư sẽ có thể vận dụng hiệu quả MACD trong việc phân tích và lên kế hoạch đầu tư. Hãy cùng YSradar theo dõi nhiều bài viết hơn trên website ysradar.yuanta.com.vn để biết thêm nhiều thông tin về chứng khoán nhé! 

Chia sẻ: clipboard facebook twitter goolge linkedin